(NXD) -
Đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án NƠXH bảo đảm dài hạn, bền vững.
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.
Chiều 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH. Trong đó, cơ chế, chính sách quan trọng, nhận được sự quan tâm nhiều nhất là đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia trong dự thảo Nghị quyết.
Tạo nguồn vốn bền vững, dài hạn
Trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay chưa có Quỹ phát triển nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án NƠXH bảo đảm dài hạn, bền vững.
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014, cả nước chỉ có một số quỹ phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Đồng Nai, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… với chức năng, hoạt động chủ yếu phục vụ cho các đối tượng có thu nhập thấp, dự án nhà ở thuộc chương trình nhà ở của địa phương, hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê, tạo lập quỹ NƠXH cho địa phương…
Trong đó, trường hợp điển hình là Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM hoạt động từ năm 2005, đến năm 2023 đã giải ngân cho hơn 5.500 đối tượng có thu nhập thấp với tổng số tiền gần 2.800 tỷ đồng; hỗ trợ cho vay 9 dự án nhà ở với tổng số tiền giải ngân trên 320 tỷ đồng; tổ chức quản lý và khai thác các 2 công trình nhà lưu trú công nhân và làm chủ đầu tư 2 dự án NƠXH có quy mô trên 3.000 căn hộ với tổng mức đầu tư trên 2.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2021, Quỹ này đang gặp khó khăn trong hoạt động do chưa được UBND TP.HCM cấp bổ sung vốn điều lệ để thực hiện.
Do nguồn vốn hoạt động của các Quỹ còn hạn chế nên hầu hết đều đã sáp nhập vào Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, nhưng các Quỹ này cũng đều đang gặp khó khăn trong hoạt động do không được cấp bổ sung vốn, dẫn đến khó có thể cung cấp vốn ưu đãi để phát triển NƠXH dài hạn, bền vững.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật Nhà ở 2023 đã có quy định về việc sử dụng nguồn vốn từ các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác để phát triển NƠXH, tuy nhiên các Quỹ này đang thực hiện nhiều chức năng và việc đầu tư hoặc hỗ trợ cho phát triển NƠXH không phải là lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của các quỹ này.
Một số dự án NƠXH còn vướng mắc trong việc bố trí kinh phí để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài phạm vi dự án. Các dự án NƠXH cho thuê, thuê mua hay việc hỗ trợ lãi suất cho vay không yêu cầu thế chấp… chưa được hỗ trợ kinh phí cũng dẫn đến việc phát triển NƠXH chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, đề xuất nghiên cứu, thành lập "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia" là cần thiết để giải quyết các vướng mắc, tạo nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển NƠXH.
Làm rõ giải pháp kiểm soát chất lượng NƠXH
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời đề nghị bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm để thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị là “Tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí”.
Nghiên cứu bổ sung làm rõ các giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng NƠXH; rà soát nội dung cần giao quy định chi tiết cho phù hợp, khả thi…
Đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí NƠXH là các “chuyên gia” để bảo đảm phù hợp với mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp.
Nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan nhà nước được thuê NƠXH để bố trí cho công chức của mình ở, nhất là tại các địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của các đối tượng này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến Ủy viên của UBTVQH tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển NƠXH, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay.
Nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết.
Làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ này không trùng với nhiệm vụ chi của NSNN, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, bổ sung đánh giá tác động cụ thể hơn đối với các chính sách đặc thù, đặc biệt là về nguồn lực tài chính, khả năng thực hiện chính sách, có giải pháp phòng ngừa tiêu cực, trục lợi chính sách.
Về việc thống nhất đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, ngày 24/5/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở trong tình hình mới. Triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg trong đó giao: Bộ Tài chính chủ trì "nghiên cứu hình thành quỹ phát triển NƠXH hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển NƠXH dài hạn, bền vững"; Bộ Xây dựng chủ trì "nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển NƠXH".
Tại văn bản số 13848-CV/VPTW, ngày 18/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH giai đoạn 2025-2030; đồng thời chỉ đạo tăng cường huy động các nguồn lực, kể cả NSNN và xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển NƠXH, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH trước 2030.
Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các Bộ, ngành liên quan về vấn đề này. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc thành lập một Quỹ về phát triển nhà ở để thực hiện nhiệm vụ chức năng chính là đầu tư phát triển NƠXH, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi… là có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Do đó, thống nhất tên quỹ là "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia", là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập, không trùng với nhiệm vụ chi NSNN. Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có 2 cấp, cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý, ở địa phương do UBND cấp tỉnh quản lý.